Vườn Ê đen mới

TÔI MUỐN TRỞ LẠI LẦN NỮA – Mục sư Lữ Thành Kiến

Sau khi viết Greenfields, tôi đã trải qua những ngày thắc mắc, bứt rứt, và một cú va chạm hơi bất ngờ vì không đề phòng, nhưng không ngạc nhiên. Tôi lái xe 4 tiếng đi Columbus, Georgia thăm con trai, ở đó 3 ngày. Khu vực nhà của con là một vùng đồi, nhà nằm lưng chừng đồi, mỗi buổi sáng đi bộ lên những con dốc cao, nhiều khi mệt phải đứng lại lưng chừng dốc, vịn vào một thùng thư ven đường, nhìn lên trời, bầu trời vẫn xanh. Tôi vẫn nói với Chúa rằng dù bầu trời có đen tối thì xin Chúa vẫn cứ xanh trong lòng con, điều đó giúp con sống và tiếp tục bước. Còn đây có bao ngày, thì thôi cứ ra đi…

Tôi nghĩ đến khải tượng Chúa đã đặt để trong lòng tôi từ hơn nửa tháng trước đó, một ngày trở lại Việt Nam. Tôi có viết trong một status đăng trên facebook khi giới thiệu Greenfields rằng: Chúa cứ nhất định can thiệp vào cuộc đời tôi, cho đến già vẫn không thôi can thiệp. Mà tôi thì không bao giờ dám… cãi lại những Lời của Người. Cho nên vẫn cứ phải bay đi khi Chúa gọi. Tôi bị một khuyết điểm là khá cầu toàn đối với Chúa, nên những gì tôi làm thì phải hết sức lắng nghe, nghe được, và thấy sự bày tỏ rõ ràng từ nơi Chúa thì mới đi, chứ không nhanh nhẩu vội vã quyết định một điều gì. Khi thấy rồi, thì dù lòng không vui, vẫn cứ lặng lẽ vâng phục.

Về lần này, vì cứ nghe những tiếng nói trong lòng: dân số Việt Nam gần 100 triệu, mà tờ báo Nguồn Sáng thì chỉ mới ở con số 7000, một con số quá khiêm tốn, không bằng cả số lẻ của cái chuỗi số của dân số Việt Nam. Dù tôi có hết sức biện hộ với Chúa rằng sức con chỉ từng đó, nhưng những tiếng nói không thôi ngưng, nó cứ nhắc đi nhắc lại. Đôi khi, quả thật tôi muốn lờ đi mà không lờ được. Các tiên tri còn dám nói thẳng với Chúa là các ông không muốn, vì nhiều lý do, tôi lại không làm như thế được. Từ khi hầu việc Chúa trong chức vụ đến giờ tôi hầu như chưa bao giờ nói không với công việc Chúa, dù đôi khi khá căng thẳng. Đôi khi tôi có nghĩ, mình có hơi nhạy cảm quá không, có bao giờ suy nghĩ nhiều quá rồi nhập tâm không, có thật là Chúa đã gợi ý, nhắc nhở? Suy nghĩ mãi, vẫn không thấy vậy, tôi chưa nghĩ đến việc về lại Việt Nam sau gần 5 tháng ở đó và 5 tháng nữa về lại Mỹ. Tôi cảm thấy mình đang dần trở lại những niềm vui đơn giản sáng chiều tại vùng đất hiền hòa tôi đang sống, chưa muốn phiêu lưu nữa.

Vậy thì về làm gì, Chúa cũng lên kế hoạch sẵn cho tôi: đi quảng bá tờ báo đến những vùng đất khác, mới hơn, xa hơn, để tờ báo lan rộng hơn, chứ cứ ngồi một chỗ mà viết, mà kêu gọi, thì cũng chẳng đến đâu. Những vùng đất ban đầu được chọn sẽ là ba thủ phủ của 3 miền Bắc Trung Nam, sẽ lên kế hoạch tổ chức các chương trình gọi là giao lưu với độc giả, có văn nghệ Cơ đốc, có địa điểm rộng có nhiều người đến, nhiều đại diện các thành phần trong xã hội, nhà thờ và cả người ngoài nhà thờ, sẽ hội thảo, giới thiệu, thảo luận, kêu gọi đặt báo, kêu gọi tham gia Ban Biên Tập, Ban Điều Hành, Ban Tài Trợ, huấn luyện cách chứng đạo qua tờ báo vân vân và vân vân…. Làm lớn ?. Như vậy thì sẽ phải lên kế hoạch, sẽ cần nhiều người cộng tác, góp phần lên kế hoạch và thảo luận chiến lược. Cần gì, bao nhiêu, làm thế nào, mới nghĩ thôi đã nhức đầu, đã khó thở ?. Nghĩ thôi đã thấy mênh mông quá, làm sao hả Chúa.

Nghĩ lại, nhớ lại câu chuyện của Môi se khi Chúa gọi ông trở thành lãnh tụ của dân Y-sơ-ra-ên, dắt dân này ra khỏi sự thống trị của Ai-cập: Nầy, tiếng kêu rêu của dân Y-sơ-ra-ên thấu đến ta, và ta đã thấy dân Ê-díp-tô hà hiếp chúng nó thể nào; vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Xuất 3:9-10. Ngay lập tức, Môi-se đã có sẵn trong đầu câu trả lời: Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô? (11) Nào phải tay vừa , Đức Chúa Trời ngay tức thì trả lời câu đáp của Môi se: Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi…..(12)

Dĩ nhiên, thưa mọi người, tôi không hề có ý định dám so sánh mình với Môi-se, xin đừng ném đá, tôi là ai mà dám ?, tôi chỉ đang nói đến những tình huống tương tự, khi một người được Chúa kêu gọi ra khỏi comfort zone, out of the boat, stepping on water, tôi muốn suy gẫm và học bài học của các thánh đồ trong Kinh Thánh khi họ đối diện với những lời kêu gọi rất nặng ký như thế này. Sẽ thế nào?

Tôi không nói liền với Chúa như Môi-se nói với Chúa, khi Chúa gọi tôi: mọi việc khác con đã làm xong rồi, bây giờ ta sai con về Việt Nam làm một tờ báo để đem Tin Lành của ta đến các vùng đất nước rộng lớn gần 100 triệu người này: Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Mác 16:15. Đi khắp thế gian là chữ Chúa dùng, dĩ nhiên là mình không thể đi khắp thế gian được, lớn quá, nhưng khắp Việt Nam, quê hương của mình, thì sao? Cái gì sẽ đi được, một bài giảng, một chương trình truyền giảng, nhiều chương trình truyền giảng, những phương tiện mạng xã hội? Một tờ báo giấy, khả thi chứ? Tôi chỉ hỏi Chúa, có cần không, báo mạng bây giờ đầy dẫy, người ta chỉ cần click một cái, quẹt một cái, là có biết bao nhiêu thông tin, dữ kiện. Ngồi một chỗ có thể biết hết những điều muốn biết. Lại không tốn tiền. Còn báo giấy, vất vả nặn óc tìm cấu trúc tờ báo, tìm bài cho tờ báo, liên lạc tìm người phụ giúp, người cộng tác, phát hành, bao nhiêu việc. Quan trọng hơn cả là tốn tiền, rất nhiều tiền. Con có đang hoang tưởng không. Tôi hỏi Chúa, bao nhiêu năm hầu việc Chúa, cả gia tài còn không bằng một đêm ăn chơi của một người giàu có. Chúa chỉ nói một lần đó thôi, những câu trả lời của Ngài tôi tự tìm trong Kinh Thánh để tự trả lời. Kinh Thánh có tất cả các câu trả lời. Tôi yên lặng nhiều ngày, quyết định hỏi Ban Điều Hành, một vài người quen tôi biết còn cưu mang tâm tình của tôi. Họ đều bảo rằng tôi nên về.

Tôi vẫn tiếp tục những ngày hoang mang như vậy, vì biết rằng sức mình không làm nổi, cần rất nhiều tiền, rất nhiều người. Mà tôi không có ơn kiếm tiền, không có ơn kêu gọi, một người bạn đồng lao của tôi đã… nhắc khéo như thế, kèm theo một nụ cười… hoài nghi cho tương lai tờ báo. Tôi đã quyết định mua vé, và tiếp tục làm những công việc thường ngày tôi vẫn làm, là phải làm sao cho ra được một tờ báo khổ lớn 100 trang màu và đen trắng với hình thức đẹp và nội dung phong phú vào mỗi tháng. Làm sao để cả người trí thức lẫn người… dã man ? đều có thể đọc tờ báo này và giúp ích họ. Và khi giao bản final cho nhà in vào giữa tháng, thì suy nghĩ đến vấn đề làm sao để đủ tiền trả… tiền nhà in tháng này vào cuối tháng, để đầu tháng thì các tờ báo còn thơm mùi giấy được chuyên chở ra bưu điện phân phát đến những nơi mà nó cần đến ?. Có một lần, bàn chân trần đã chạm đến mé nước sông Giô-đanh, không chỉ chạm mặt nước, mà còn dấn vào lòng sông, nước lên tới cổ mà nước sông vẫn nhất định không chịu rẽ đôi, thì Chúa lại giải quyết bằng một cách không thể ngờ. Vậy thì sao tôi còn nghi ngờ? Thôi cứ đi đi, tới đâu hay tới đó, Chúa đã bảo đi cùng, và đã đi cùng, nhiều lần, nghi ngờ gì?

Mới đây tôi đi check up mắt định kỳ hàng năm vì diabetes, trong khi ngồi trong waiting room, mắt ngó về phía những bức tường treo những tranh ảnh, tôi đọc được một câu Kinh Thánh bằng tiếng Anh trong một khung hình: For we walk by faith and not by sight, chúng ta ai cũng biết câu này: chúng ta bước đi bằng đức tin chứ không phải bởi mắt thấy. Tôi ngạc nhiên vì một phòng khám mắt lại treo câu đó. Lẽ ra nó phải nói ngược lại. Tôi vội vã in câu ấy vào trong đầu. Có phải Chúa muốn nói với tôi không? Một người hầu việc Chúa hay nhìn thấy trước những cái gì người khác thấy, và mang nó nặng hơn những người khác.

Vừa rồi khi giảng cho Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, tôi chia sẻ về những điều mà một giáo sĩ cần phải có khi dấn thân vào cuộc sống mục vụ rày đây mai đó, tôi có nói đến những hy sinh của Chúa Jesus và Phao-lô, họ đã hy sinh hết những gì họ có, ngay cả mạng sống, tôi thật không dám dùng chữ hy sinh ấy cho mình vì tôi biết rằng so với những hy sinh cao quý vĩ đại của Chúa và các môn đồ, thì cái gọi là sự hy sinh của tôi không đáng cúi xuống mở giây giầy cho họ. Đáng gì đâu. Chúa đã cho tôi hết những gì Ngài có. Mà nay Ngài sai tôi đi, Ngài biết chắc là tôi làm được thì Ngài mới sai đi, và còn hứa chắc rằng này ta sẽ đi với con, trên tất cả mọi nẻo đường. Mỗi ngày câu tôi nói với Chúa thường xuyên là con biết ơn Ngài, biết ơn nhiều lắm, không thể nói được, thôi thì cứ đi, như một tấm lòng con dâng cho Chúa đền ơn muôn một. Thôi thì cũng… liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu ? Cứ đi, khi nào Chúa còn mở thì cứ đi, khi nào Chúa bảo đóng, thì đóng. Quyết định là của Chúa, không phải của mình.

Chưa đi mà tôi đã dự tính rằng có lẽ mình sẽ trở lại Mỹ vào cuối tháng 12 sau khi dự lễ Giáng Sinh cùng người Việt, nhưng nay thì quyết định sẽ trở về vào cuối tháng 11. Có hẹn cùng các con trai sẽ kỷ niệm 4 năm ngày mất của mẹ chúng tại nhà khi con lớn cùng gia đình đã xin phép nghỉ về nhà trong thời gian đó. Thật ra thì điều này cũng không quá quan trọng vì có thể hẹn vào một ngày khác, nhưng thôi, biết rằng mình không vui khi ở lại qua tháng 12. Tôi nói với Chúa rằng con đã vâng phục Ngài hầu hết mọi quyết định và sự kêu gọi của Ngài, nhưng hãy xin cho con có thể sống với chính mình đôi khi, không phải cái gì cũng có thể giải quyết bằng lý trí, khi mà đôi khi những con sóng tràn vào bờ vào những ngày giông bão có thể tràn lên đến những vách đá rất cao, tràn qua cả những mặt đường yên tĩnh bao năm trong thành phố.

Chúa hay sai bảo, muốn mình vâng lời, không cãi, nhưng cũng có những lúc mình làm xong việc rồi, nói với Chúa rằng con buồn, muốn trở về nhà, thì Chúa cũng sẽ nhìn mình bằng đôi mắt đầy cảm thông, yêu thương, và nói: thôi về nhà đi con, nghỉ ngơi đi. Ta hiểu.

Mục sư Lữ Thành Kiến

———————————————————–

Bài viết cũ trang Cùng Suy Gẫm Với MS Lữ Thành Kiến được lưu trữ tại đây:
Cùng Suy Gẫm Với MS Lữ Thành Kiến (2014-2022)

Ngày đăng: 08/15/2022