Vườn Ê đen mới

HẠNH PHÚC MÙA XUÂN – Hồ Galilê

Xuân về mang theo nhựa sống cho ngàn cây ngọn cỏ, tô thêm cho màu sắc cảnh vật vui tươi. Thật kỳ diệu biết bao! Đấng tạo hóa dựng nên vũ trụ muôn loài, Ngài dựng nên thì tiết và mùa vụ. Ngài dựng nên mùa xuân tốt lành, muôn hoa và chim chóc líu lo hát vang mừng xuân:
“Xuân, xuân đã về thắm tươi trên đồng lúa vàng
Xuân, xuân đã về huy hoàng ngàn tia nắng
Xuân, xuân đã về ngát hương đêm mộng thanh bình”.
Mùa xuân!
Mùa của tràn trề hy vọng, mùa của sôi nổi, ước mơ và khát vọng.

– Không như mùa hè chói chang ánh nắng, đất đai cằn khô, cỏ cây héo úa, lại là mùa của nỗi buồn chia ly giã biệt, như lời bài hát ‘Bài ca tạm biệt’ của Diệp Minh Tuyền:
“Gặp nhau đây, rồi chia tay
Ngày dài như đã vụt qua như phút giây”…

– Mùa thu ảm đạm, nỗi buồn cô liêu, mênh mang xa vắng với những chiếc lá vàng hắt hiu rơi rụng, đúng như hoàn cảnh của nữ sĩ Tương Phố trong bài thơ ‘Giọt lệ thu’ năm 1928 ở tạp chí Nam Phong số 131:
“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em”…

-Mùa đông thì con người và cỏ cây đìu hiu xơ xác, mưa phùn gió bấc, cảnh vật buồn tênh tê tái, đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mô tả qua bài hát nổi tiếng ‘Đêm đông’ năm 1939 khi ông chợt nhận ra là mình không có vé lên tàu tại ga Hàng Cỏ Hà Nội để về nhà, sum họp cùng gia đình ăn tết, mà ông đành phải quay trở lại căn gác trọ trong nỗi buồn cô đơn trống vắng. Hoàn cảnh này đã đưa ông đến cảm tác ra ca khúc ‘Đêm đông’ bài ca đi cùng năm tháng:
“Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà”…
Ngược lại!

Mùa xuân mang tới cho chúng ta một không khí rộn ràng ấm áp, lễ hội đông vui, tâm thần phóng khoáng, ý xuân thanh tao, thể chất căng tràn nhựa sống. Cái thời điểm kỳ diệu của mùa xuân khiến tâm hồn người ta tự khắc giao thoa với thiên nhiên, với cảnh sắc để bừng lên sự sống mới. Bởi vậy, mà thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều tuyệt tác có hai câu thơ sống động:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”…

Xuân về, chim muôn từ khắp nơi bay về hòa lòng với sắc cảnh, mùa hội tụ sau một thời kỳ trú đông dài.
Từ bao đời nay mai, đào hai loài hoa này cũng được xem là những loài hoa biểu tượng đặc sắc nhất trong tình yêu. Chẳng biết từ khi nào mà hai loài hoa này trở thành nguồn cảm hứng để các văn, thi sĩ, diễn tả nét đài trang, nhân văn thanh nhã của những người phụ nữ xinh đẹp Á đông. Mai vàng rộn rã phương Nam, Đào khoe sắc thắm kinh Bắc. Cúc, thọ muôn màu dẫy đầy miền Trung v.v… như tô điểm sắc màu cho cảnh đẹp mùa xuân càng thêm lộng lẫy thanh tao.

Đoạn Kinh thánh duy nhất trong kinh Cựu ước của vua Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan và giàu có bậc nhất trong lịch sử nhân loại của nước Do Thái thuở xưa tức Israel ngày nay. Ông trị vì vương quốc hưng thịnh trước Thiên Chúa giáng sinh khoảng dưới 1.000 năm. Đây là đoạn Kinh văn hay nhất viết về mùa xuân:
“Em yêu người đẹp của ta!
Mưa đông vừa dứt, mùa hoa đã về
Cây nứt lộc, lá sum sê
Oanh ca, Phượng múa bên lề rừng mai
Em ơi, xuân đã lên ngai
Hoa nho thơm phức ca bài yêu đương”…
Nhã ca 2:11-13 (Bản Diễn ý)

Mùa xuân là mùa người ta thường trao đổi cho nhau những điều tốt đẹp nhất, là trong dịp đầu xuân mới người ta chúc cho nhau sang năm mới buôn mau bán đắt, làm ăn phát đạt, lắm bạc nhiều tiền, thăng quan tiến chức, công thành danh toại, bách niên giai lão, con cháu đầy đàn v.v… Nói tóm lại, lời chúc tụng được đóng khung trong ba chữ: “PHÚC – LỘC –THỌ”.

Song le Phúc, Lộc, Thọ mà con người mơ ước chỉ đóng khung trong phạm vi lợi lộc vật chất ở đời nầy, thì thật đáng cho chúng ta thất vọng. ICô-rinh-tô 15:19 “Nếu chúng ta chỉ hy vọng nơi Chúa Cứu Thế về đời nầy thôi, thì trong tất cả nhân loại chúng ta là những người bất hạnh hơn ai hết”.(Bản Diễn ý)

Vì nhu cầu của con người không chỉ nằm trong phạm vi vật chất thuần túy mà còn có nhu cầu tâm linh, thuộc về lĩnh vực tinh thần. Thật vậy, sự thành công ở đời nầy về phương diện nào đi chăng nữa, cũng không làm cho chúng ta sung sướng, thỏa mái về tâm hồn. Nhiều khi sự sung túc về vật chất dẫn chúng ta đến chỗ sầu não, buồn thảm mà chúng ta không thể tiên liệu được.

I/ Khi nói đến chữ PHÚC hay chữ PHƯỚC…
Ai cũng nghĩ ngay đến sự may mắn mà một người gặp được. Người nhà mắc chứng bệnh nan y mà gặp thầy, gặp thuốc được chữa lành đó là Phước. Con cái học hành đỗ đạt cũng gọi là Phước. Tóm lại, những cái gì may mắn thì người ta gọi đó là Phước. Nhưng những thứ nầy chỉ là Phước tạm thời mà thôi. Nhiều khi cái Phước ấy biến thành cái ‘Họa’ cũng chưa ai lường được trước bao giờ. Cách đây không lâu, một gia đình khá giả ở Sài Gòn có một cậu con trai thi đỗ đạt thủ khoa của trường đại học bách khoa, sau khi đậu được cha mẹ cho tiền tổ chức tiệc tùng mừng thành công của con trên đường học vấn. Ăn uống xong xuôi, các cô cậu rủ nhau mướn thuyền đi chơi, nhưng chẳng may đùa giỡn thế nào mà chiếc thuyền bị lật làm cho cậu tân kỷ sư tương lai bị chết đuối. Hiểm họa nầy gây biết bao đau khổ, tuyệt vọng cho gia đình, chữ ‘Họa’ nối liền sau chữ ‘Phước’ sau đó mà không ai ngờ tới. Kinh thánh lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết rằng Phước ở đây, ở đời nầy không thể làm cho chúng ta thỏa lòng. Trái lại, nó thường đan xen vào những nỗi thảm sầu đau đớn, vì đã có câu:

“Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” nôm na phước không đến trùng lặp, nhưng tai họa thì bất ngờ ập đến. Châm-ngôn 14:13 “Dầu trong lúc cười cợt, và cuối cùng sự vui ấy là sầu khổ”. Phước thật mà Kinh thánh nói đến là được sự tha tội, được khỏa lấp tội lỗi, và được Đức Chúa Trời không kể là gian ác và trong lòng không có sự giả dối Thi Thiên 32:1-2 Khi một người giàu có danh giá phạm tội bị pháp luật lên án kết tội, họ bị bỏ tù, dù lắm bạc nhiều tiền cũng không thấy sung sướng phước hạnh gì cả. Kinh thánh còn cho biết mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Dưới mắt Thượng Đế con người là tội nhân đang chờ sự đoán phạt. Kinh thánh nói rõ ở đây, phước hạnh là được sự tha tội. Một người trọng tội mà được kể là công chính thì phước hạnh nào hơn. Được trắng án là được Phước. Cơ-đốc nhân là người thừa hưởng Phước nầy, được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus-Christ, là công dân Thiên quốc đời đời viên mãn.

II/ Nối tiếp chữ PHÚC/PHƯỚC là chữ: LỘC
Chữ nầy thường chỉ về tiền tài vật chất giàu có, hưng thịnh. Một công chức có quyền lực được nhiều người biếu xén, gom lót cũng là người có nhiều bổng lộc ‘Lộc’. Một thương gia bán được nhiều hàng hóa với số tiền lời lớn cũng được gọi là người có lộc ‘Lộc’ và tóm lại, trường hợp nào mà giúp người ta làm ra nhiều tiền bạc, của cải là người phát tài phát lộc. Nhưng chúng ta đều biết rằng của cải đời nầy ví như những đám mây nổi hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Trong cuộc chiến tranh tàn hại trên đất nước chúng ta đã trải qua, biết bao nhiêu người giàu có, xe hơi nhà lầu đồ sộ, với biết bao tích sản khác trong phút chốc đã trở thành tro bụi trắng tay. Của cải thêm nhiều, lắm khi đem lại cho sở hữu chủ những nỗi đau lòng buồn thảm. Những vụ giết người, cướp của đã và đang chồng chất trong các văn khố của tòa án. Lời Chúa khuyên chúng ta rằng:

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất là nơi có sâu mối ten rét làm hư và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, mà nơi không có sâu mối ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách là lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.Ma-thi-ơ 6:19-21

Chúa không phủ nhận sự giàu có hưng thịnh ở trên đất, nhưng nếu không ưu tiên sự nghiệp trên trời thì là vô ích mà trở thành kẻ dại. Vì khi qua đời, con người không thể mang theo danh vọng, sự nghiệp và tài sản xuống âm phủ để hưởng thụ nên người ta thường chúc nhau sống lâu trăm tuổi, (Bách niên giai lão)
Chúa Jesus đã từng phán dạy ở Tin lành Lu-ca 12:20
“Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?”.
Tiền bạc của bạn thuộc về ai?

Khi ra đời bạn mang bao nhiêu? Không có gì thử nghiệm tình yêu của chúng ta đối với Chúa hay đối với kẻ khác một cách thực tiễn là thái độ của chúng ta trong sự dâng hiến hầu việc Ngài.
– Thế gian hỏi chúng ta anh có bao nhiêu tiền?
– Đấng Christ hỏi sử dụng nó như thế nào?
– Thế gian nghĩ nhiều hơn về cách làm ra tiền?
– Chúa hỏi chúng ta ban cho như thế nào?
– Thế gian nghĩ đến số tiền?
– Đấng Christ nghĩ đến động cơ thúc đẩy chúng ta ban cho.
– Người ta hỏi chúng ta cho bao nhiêu?
– Kinh thánh hỏi chúng ta giữ lại bao nhiêu?
Anania và Saphira đã giữ lại số tiền đáng phải dâng, nên bị Chúa quở phải chết tại chỗ. Đối với người chưa tin Chúa tiền bạc là phương tiện để thỏa mãn, nhưng đối với Cơ-đốc nhân nó là phương tiện để an ủi, để sống trong ngày. Đối với người trước, nó là cơ hội để mua sắm tiện nghi, nhưng đối với người sau, nó là cơ hội cứu giúp. Người tin theo Chúa phải biết tiền bạc là của Chúa, chúng ta là quản gia cho nhà Chúa. Nguyện chúng ta dùng tiền bạc là cơ hội hầu việc Chúa, nên dâng hiến rời rộng để phục sự Ngài, mở mang bờ cõi vương quốc Đức Chúa Trời trên đất.

III/Chữ: THỌ luôn luôn đi sau cùng hai chữ Phước và Lộc.
Dầu người ta vì cớ xã giao chúc nhau trường thọ, nhưng chúng ta đều biết rằng không có ai làm cho đời mình dài thêm một khắc”.Ma-thi-ơ 6:27 Ngay cả các Quốc vương, Tổng thống, Bộ trưởng cầm đầu một nước, một bộ với tất cả quyền lực lẫy lừng, oai phong vang dội cũng không thể khắc phục được tử thần, để sống thêm theo lời chúc tụng. Sự sống của con người nằm trong tay của Đức Chúa Trời. “Số các ngày Chúa đã định cho tôi đã biên vào sổ Chúa”Thi Thiên 139:16 Đa-vít là vị vua danh tiếng của nước Israel hoàng kim sống trước Chúa 900 năm đã viết như vậy.

– Nữ hoàng Ê-li-gia-bét của nước Anh trong lúc hấp hối đã la lên:
“Ta bằng lòng đánh đổi triệu triệu Anh kim để được sống thêm vài tuổi” mà đâu có được!
– Voltaire một văn hào nổi tiếng của nước Pháp lúc sắp qua đời ông nói với bác sĩ riêng của ông:
“Tôi bằng lòng trả giá nửa gia tài và sự nghiệp của tôi để được sống thêm 6 tháng” mà có được đâu!
– Wiliam bị dẫn lên đoạn đầu đài, ông rút trong chiếc túi ra một chiếc đồng hồ đưa cho vị y sĩ của ông với lời dặn:
“Ông hãy giữ nó, tôi không cần đến nó nữa”.

Những lời cầu xin của con người trước thần chết như những tiếng kêu trong sa mạc hoang vu. Đấng ban cho chúng ta tuổi thọ, Đấng ban cho chúng ta mùa xuân là Đấng cầm vận mệnh sự sống chúng ta. Ngài có quyền ấn định ngày sinh tháng tử của mỗi chúng ta. Vua Ê-xê-chia là nhân vật có thật trong Kinh thánh lúc lâm trọng bịnh ông khóc lóc và kêu xin cùng Đức Chúa Trời cho ông sống thêm 15 năm nữa trong II Các Vua 20:6 Nhưng dù như vua Ê-xê-chia có được Chúa thương cho sống thêm 15 năm nữa, rồi sau đó ông ta cũng phải chết mà thôi. Vì sự chết đến với tất cả mọi người, chết thể xác, chết tâm linh và sự chết đời đời phân cách với Đấng tạo hóa mãi mãi.

Kinh thánh bày tỏ lời Đức Chúa Trời cho loài người có một phương pháp trường thọ là: Tin lành Giăng 17:3 “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha tức là Đức Chúa Trời có một và thật cùng Jêsus-Christ là Đấng Cha đã sai đến”.

Phương pháp duy nhất cho những ai đến với cõi vĩnh sanh không còn thấy sự chết, buồn thảm than khóc và đau đớn nữa, vì Chúa Jêsus-Christ có phán rằng:
“Ta là đường đi chân lý và nguồn sáng. Nếu chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha”.Tin lành Giăng 14:6
Chúa Jesus đã từng nói chuyện với giáo sư uyên bác của dân Do Thái là ông Ni-cô-đem:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.

Các bạn thân mến!
Chắc tết cổ truyền năm nay quý vị và các bạn sẽ nhận được nhiều lời chúc từ bạn bè, thân hữu, gia quyến không ngoài ba chữ:
PHÚC – LỘC – THỌ.
Mời bạn đến với thông điệp đoạn kết bài nầy qua ánh sáng của Thánh kinh:

– PHƯỚC là tin Chúa Jêsus-Christ làm Cứu Chúa của cuộc đời mình, để được Chúa tha tội, để được làm con của Ngài”.Giăng 1:12
Các bạn có thể tìm Kinh thánh đọc thêm Thi Thiên nói về Phước như Thi Thiên số 1 và 23 và tám phước lành trong bài giảng của Chúa trên núi được gọi là tuyên ngôn nước trời Ma-thi-ơ đoạn 5.
“Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi điều ấy nữa”.Ma-thi-ơ 6:33
“Các ngươi tìm Ta và gặp được khi các người tìm kiếm Ta cách hết lòng”.Giê-rê-mi 29:13

– LỘC là tiền bạc, là của cải, là sức khỏe Chúa ban cho chúng ta, nên hãy dùng nó có lợi cho nhà Ngài, phục sự, hầu việc Ngài. Hãy dùng tiền bạc của cải Chúa cho mà cứu giúp kẻ nghèo khó, giúp đỡ tha nhân. Kẻo không, thì chúng ta bị Chúa quở là đầy tớ biếng nhác hãy lui ra khỏi Ta”.Ma-thi-ơ 25:30 Còn ai trung tín sẽ nhận được lời khen thưởng:
“Được lắm, hãy vào nhận sự vui mừng của Chúa ngươi”.Ma-thi-ơ 25:20-23

– THỌ là sự sống, thời gian sống trên đất. Nhất là khi bạn và tôi đang ở tuổi thanh xuân, hãy dùng thời trai trẻ và sức xuân của mình mà cống hiến, mà phục vụ Chúa. Hãy tưởng nhớ Đấng tạo hóa trong lúc nầy, để khi về già ta không còn hối tiếc như Truyền Đạo 12:1 vua Sa-lô-môn đã từng thốt lên:
“Ta không lấy làm vui lòng”.

Tản Đà có những vần thơ thật là hay nhưng cũng đầy bi quan:
“Hoa ơi! hoa hỡi hoa hời
Đang ở trên cành bỗng chốc rơiNị mềm cánh úa
Hương nhạt màu phai
Sống chửa bao lâu đã hết đời”.
Cao Bá Quát thì than thở:
“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấyCõi phù du trông thấy cũng nực cười”.

Một thiếu nữ bản xứ được một bà giáo sĩ nhận làm con nuôi, cô được bà rước về ở chung, bà yêu thương cô như con ruột, bà cho cô đi học và dạy Kinh thánh cho cô, cô đã tìm gặp Chúa và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của cuộc đời mình. Bà giáo sĩ rất vui thỏa và thường khuyên cô sớm dâng đời sống mình cho Chúa để trở nên người phục vụ Ngài như bà, nhưng cô ấy cứ hẹn lần hẹn lữa không dứt khoát. Một ngày kia cô lâm trọng bệnh phải nằm viện điều trị, mỗi ngày bà đều đến thăm cầu nguyện và an ủi cô. Ngày đầu bà đến với bó hoa tươi thắm, loại hoa mà cô yêu thích. Cô vui mừng lắm, nhưng sau giờ thăm hỏi bà mang bó hoa đó về, cô hơi buồn nhưng tự nhủ chắc là bà đang lo nghĩ về nhiều việc nên quên để bó hoa lại.

Ngày thứ hai cũng bó hoa đó bà mang đến, một vài cánh hoa đã có dấu hiệu chuyển màu, nhưng nhìn chung hãy còn đẹp, cô tự an ủi dù có héo cũng không sao, nhưng rồi bà cũng ôm bó hoa ra về sau khi thăm bệnh xong, cô có thất vọng song đủ bình tĩnh để trấn an mình. Ngày thứ ba, bó hoa đã héo hẵn, những cánh hoa rũ xuống không còn đẹp đẽ gì nữa. Lần này, trước khi ra về, bà đến bên giường bệnh ôn tồn:
-“Mẹ tặng bó hoa này cho con, mong con được vui như những bông hoa này vậy”.
Cô không kiềm hãm nỗi sự bực tức:
-“Sao mấy ngày trước hoa còn tươi mẹ không tặng con, bây giờ hoa đã héo tàn mẹ mới tặng con?”…
Bà giáo sĩ nhẹ nhàng âu yếm:
-“Đời con như những bông hoa này vậy, mẹ khuyên con nên dâng cho Chúa để phục vụ Ngài, nhưng con cứ lần lữa mãi, con định để đến lúc đời con héo tàn bệnh hoạn con mới chịu dâng cho cho Chúa sao?”…
Cô ân hận, thổn thức, lòng những ngậm ngùi:
– Những giọt nước mắt đổ xuống!…

Kính chúc Qúy vị và Các bạn cùng độc giả một mùa xuân hạnh phúc thật sự trong Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta. Vì Ngài là Chúa xuân miên viễn trong cuộc đời của mỗi người. Amen!

Hồ Galilê – Xuân 2024

 

Ngày đăng: 02/04/2024