Vườn Ê đen mới

TIN MỪNG CHO BẠN HÔM NAY – Hồ Galilê


Thắm thoát hai năm đã trôi qua, kể từ khi tập báo giấy Nguyệt San Nguồn Sáng có mặt tại Việt Nam, mà tiền thân của nó là báo Nguyệt San Hướng Đi ra 5 số đầu tiên, bắt đầu từ số 6 tháng 7 năm 2022 trở thành Nguyệt San Nguồn Sáng.

Đây là một tập báo giấy đẹp đẽ về cách trình bày khoa học, nội dung bài viết khá nhân văn, không gò bó giáo điều tôn giáo. Nguyệt San Nguồn Sáng dày 100 trang, khổ giấy A4 gồm 8 trang màu, 4 trang đầu bìa và 4 trang cuối bìa ra hàng tháng đều đặn và sức lan tỏa rộng khắp các vùng miền, thậm chí vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam mà vươn đến Châu Âu, Canada và Mỹ quốc.
Tạ ơn Chúa!

Chúng ta không quên “Ôn cố Tri tân” trước năm 1975 những nhà thần học, giáo sĩ nước ngoài, những vị mục sư, truyền đạo, những văn nhân thi sĩ Cơ-đốc trong và ngoài nước đã làm nên những trang báo Hừng Đông, Rạng Đông, Thánh Kinh Báo và Thánh Kinh Nguyệt San cho đất nước lúc bấy giờ.

Sau năm 1975…
Rồi từ những giai đoạn đầu thập niên 90 thế kỷ trước có trên 30 số báo “Thông Công” thầm lặng ra đời khi mà công nghệ thông tin internet lúc bấy giờ vẫn còn mờ mịt lắm. Hai câu thơ lục bát làm khẩu hiệu của “Thông Công” nằm ở trang bìa đầu mặt trong thật ấn tượng:
“Thông Công nối nhịp gần xa
Lửa hồng đốt cháy lòng ta thêm hồng”.

Những người ươm mầm cho “Thông Cộng” lúc bấy giờ, không thể không nhắc đến Bình Tú Ngọc nay là mục sư tiến sĩ Nguyễn Đình Liễu đang hầu việc Chúa tại Hoa Kỳ, mục sư tiến sĩ Bùi Trung Minh (Sài Gòn), hai cây bút nữ tuyệt vời là Hoa Dã Quỳ tức Nguyễn Thị Như Quý (Nha Trang) đã từng đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn “Viết Cho Niềm Tin” năm thứ nhất 2012/2013 và Hoa Sa Mạc tức Phạm Thị Kim Ngân (Sài Gòn) ngoài ra cô còn sáng tác nhạc và thơ. Tiếp đến là giai đoạn có nhiều khả quan đón nhận Đặc San Người Chăn Bầy có phần trình bày đẹp đẽ cả hình thức lẫn nội dung.

Và rồi Kinh Thánh sách Truyền đạo của vua Sa-lô-môn 3:1 nói “Có thời và có kỳ” Người Chăn Bầy phi hệ phái vắng bóng một thời gian dài trên diễn đàn Cơ-đốc, mãi đến đầu năm 2022 Nguyệt San Hướng Đi lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với khởi đầu là 5.000 ấn bản. Theo tôi được biết hiện nay con số tại nhà in Saigon Photography Chanel trên 22.000 ấn bản mỗi tháng và đi đến trên 45 tỉnh thành với chi phí trên 300 triệu đồng Việt Nam. Có được con số kỷ lục như trên là trước tiên nói đến công khó của mục sư Chủ bút Lữ Thành Kiến. Ông là người đi tiên phong trước vô vàn khó khăn và thách, nhiều khi tôi nhìn lại thấy tóc ông bạc nhiều vì trăn trở cho đứa con tinh thần mà chạnh lòng và thương ông quá chừng, tôi luôn dành thời gian cầu nguyện cho ông.

Tôi được vinh dự góp phần kể từ tập số 6 chuyển tên Nguyệt San Hướng Đi thành Nguyệt San Nguồn Sáng với hai bút danh quen thuộc là Hồ Galilê và Hồ Thi Thơ cùng khoảng trên dưới 50 Cộng tác viên lần lượt đăng bài không hề nhận nhuận bút, cùng Ban Điều hành tích cực hy sinh gắn bó để tập báo tiếp tục được sống. Ngoài ra báo Nguyệt San Nguồn Sáng còn làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa, lập mái ấm tình thương, cắt tóc tự nguyện, cấp sách vở và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo và những bữa ăn miễn phí cho người neo đơn, cho những mảnh đời cơ cực v.v…

“Mừng Năm Thứ Ba” Nguyệt San Nguồn Sáng tiếp tục lan tỏa phủ sóng cả nước 63 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình cong Chữ S này. Phương châm nhất quán không thay đổi:
– TẤT CẢ VÌ YÊU.
– CHÚNG TÔI KHÔNG BÁN BÁO.
– CHÚNG TÔI TẶNG BÁO.
– TẶNG BÁO CÙNG CHÚNG TÔI.
Nội dung tờ báo tập trung vẫn là nói về một nhân vật đặc biệt.
Người này là ai?
Người từ đâu đến?
Người đến thế giới nầy để làm gì?…
Xin giới thiệu cho mọi người, đặc biệt đối với các bạn thân hữu và độc giả về một nhân vật cực kỳ huyền nhiệm, đó là Chúa Cứu Thế Giê-su?
Vậy Giê-su là ai?
Hy vọng quí vị sẽ tìm gặp vị khách vô cùng quan trọng nầy, quí vị sẽ nhận Người, và cuộc đời quí vị sẽ được thay đổi từ đây!

Người đã đến thế giới này cách đây trên hai nghìn năm, qua sự giáng sinh diệu kỳ tại một tiểu thôn cô quạnh Bê-lem của nước Do Thái trong một đêm đông lạnh giá. Sự ra đời của Người đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại, trước Công nguyên và sau Công nguyên, tức là trước Chúa và sau Chúa (B.C – Before Christ – trước Chúa; và A.D – Anno Domini Nostri Jesus Christ – sau Chúa). Người đến để tìm và cứu chuộc con người qua sự chết, sự hy sinh trên thập tự giá đền tội cho toàn thể nhân loại. Xác Người bị chôn chặt và được niêm phong cẩn mật trong hang thạch mộ kiên cố, nhưng sau ba ngày Người đã sống lại khải hoàn. Người đã bẻ gãy chìa khóa tử thần, sự chết và âm phủ. Từ đó, suốt dòng lịch nhân loại trên thế giới duy nhất trong Cơ-đốc giáo có lễ phục sinh. Người sống lại vinh quang mới có đủ năng quyền ban cho người nào bằng lòng tin nhận có được sự sống mới, ý nghĩa và sự sống vĩnh hằng. Chúng ta cùng nhau suy niệm Người.

Quả thật, nơi đâu có sự hiện diện của Đức Chúa Trời thì nơi đó là thiên đàng. Bởi vậy, nên người Pha-ri-si hỏi Chúa (gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái chủ trương giữ luật pháp Môi-se nhưng cố tình làm trái ngược luật pháp ấy):
Khi nào nước Đức Chúa Trời sẽ đến?
Chúa Giê-su trả lời rằng:
“Nước Đức Chúa Trời đến một cách không rõ ràng, vì nầy nước Đức Chúa Trời ở trong lòng các ngươi”, do đó chúng ta nhận biết Chúa và tiếp nhận Ngài vào lòng, để Ngài sống và ngự trị trên đời sống chúng ta thì chúng ta kinh nghiệm thiên đàng. Lại nữa, khi Giăng Báp-tít gởi môn đệ của ông đến hỏi Chúa Giê-su rằng:
“Thầy có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi phải đợi đến Đấng khác”? Chúa Giê-su đã trả lời với môn đồ Giăng như sau:
“Cứ về thuật lại những việc mà anh em đã chứng kiến tại đây:
người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, người điếc được nghe, người nghèo được nghe Phúc-âm, người chết được sống lại” và Ngài nhắn thêm:
“Phúc cho người nào không nghi ngờ ta”.Ma-thi-ơ 11:4-6
Ai đi bộ trên mặt nước, ai ra lệnh cho bão tố vô tri dừng lại, ai hóa bánh cho năm đến bảy ngàn người ăn no khi đoàn dân đang đói? Đang khi Giăng hỏi nước Đức Chúa Trời đã đến chưa? Thì Chúa Giê-su xác nhận rằng: Nước thiên đàng đang hiện diện nơi đây, và đưa chứng cớ cho Găng Báp-tít thấy. Những phép lạ đầy dẫy trong Kinh thánh và đang thể hiện ngày hôm nay đây đó, chúng ta khó bề chấp nhận, nhất là những ai quen suy nghĩ logic khoa học.

Nhưng câu hỏi được đặt ra:
Sức mạnh nào đã khiến hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại tin vào Kinh thánh.
Trong 400 nhà khoa học trong các thế kỷ vừa qua có 380 tin vào Thượng Đế, họ là những người khôn ngoan bậc nhất của nhân loại chẳng hạng như: Ampere, Volta, Pasteus, Copenic, Keple, Newton, Lavoisier, Liverier, Nacorni, Edixon, Albert Einstein.
Có biết bao nhiêu con người đã được biến đổi cuộc đời khi họ tìm kiếm và gặp được Chúa, gặp được thiên đàng trong lòng họ?.
Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su được gọi là tuyên ngôn của nước trời gồm có 8 phước lành, mà phước đầu tiên Chúa Giê-su dạy:
“Phước cho ai biết tâm linh mình nghèo khó vì sẽ hưởng nước trơi. Ma-thi-ơ 5:3(Bản Diễn ý).
Tâm linh nghèo khó là gì?
– Là cuộc đời sống mà không có Chúa, người ấy đang tuyệt vọng, người ấy đang nô lệ cho tội lỗi, cuộc đời bị trói buộc trong dục vọng, bất an, người ấy cần được giải thoát.
– Người ấy muốn được tự do, người ấy đang bị buồn chán, người ấy đang bị cô đơn, người ấy thiếu tình yêu thật, họ đang đau khổ, đang bị bệnh tật, người ấy cần sự giải cứu sẻ chia.
– Người ấy cần đến ánh sáng cho cuộc đời, vì phía trước là cả một tương lai tối tăm, cuộc đời đang trống rỗng.
– Người ấy đang thiếu hạnh phúc, tâm hồn họ là một khoảng trống vắng và buồn tênh.

Bạn đang đi tìm hạnh phúc, nhưng bạn sẽ thất vọng, mặc dù bạn đang có học thức, kỷ luật, đạo đức, tự bỏ mình hy sinh cho cá nhân, sống trong sạch, biến cải xã hội, tất cả điều đó dĩ nhiên là tốt, vì cần thiết nhưng những điều đó không đáp ứng cho tâm linh đang nghèo khó của bạn, bởi vì sao?. Tâm linh bạn đang thiếu nước trời, bạn sẽ được lời Chúa phán ngọt ngào:
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu phiền, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng”.Ma-thi-ơ 11:28-30 và
“Kẻ trộm chỉ đến cướp giết và hủy diệt, còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống , và được sự sống dư dật”.Giăng 10:10
Từ đó Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy:
– “Hãy ăn năn tội lỗi và quay về với Thượng Đế vì nước trời đến gần”.Mác 8:35
– Các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành. Mác 1:15
Tin lành hay Phúc-âm trong tiếng Hy-lạp là: Evanngelion có nghĩa là tin tức tốt lành.
Trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh, ngoài đồng Bê-lêm các gã chăn chiên được thiên sứ hiện ra báo tin:
“Đừng sợ chi, vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ là Chúa.Lu-ca 2:10-11

Khổng Tử có câu:
“Tiêu nghe đạo tịch tử khả hỷ” hiểu nôm na là:
“Buổi sáng nghe được Đạo thì buổi tối có chết cũng thỏa lòng”. Chắc quý vị đã nghe nói về tôn giáo, về Đạo nhiều rồi, đúng như vậy, mọi người Việt Nam đều biết phân biệt điều lành, điều dữ, ai cũng biết ở hiền gặp lành, ai cũng muốn ăn ngay ở lành. Chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Khổng giáo người Việt Nam cần quý trọng đạo làm người, biết ơn Quân – Sư – Phụ, biết giữ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, trong ngũ thường người Việt trân trọng giữ gìn Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín:
“Làm trai học đạo thánh hiền
Năm hằng chẳng trễ, ba giềng chớ sai”
Chữ hiếu được người Việt đặt lên hàng đầu:
“Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên
Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên
Làm người phải biết tổ tiên ông bà.”
Bổn phận hiếu để được minh giải thêm:
“Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ Hiếu ở trong luân thường
Chữ Đễ có nghĩa là nhường
Nhường Anh, nhường Chị, lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
Con em phải giữ lấy nền con em”.
Người Việt biết phân biệt chân giả, đúng sai trong từng tín ngưỡng thực hành:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Hoặc ai nấy đều đồng ý:
“Dẫu xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người”.

Đa số người Việt chúng ta sùng đạo, không theo tôn giáo nầy thì cũng theo tín ngưỡng kia, từ đó người Việt Nam cứ quan niệm đạo nào cũng tốt cả, đạo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ, vậy đạo Tin lành là đạo dạy người ta tin để làm lành, thì không cần phải theo, vì mình đã có đạo rồi, thậm chí đạo mình đang theo còn đông hơn đạo Tin lành nữa.

Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!
Nếu truyền cho người Việt Nam một tôn giáo dạy người ta làm lành thì chỉ bằng thừa mà thôi, vì từ nhỏ đến lớn ai ai cũng biết làm lành lánh dữ kia mà. Vấn đề ở đây, là con người cần ý thức là mình làm lành, nhưng không đủ khả năng làm cho trọn vì có câu:
“Chung thân hành thiện, thiện dư bất túc
Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư”.
Tạm hiểu là:
“Trọn đời làm lành, lành vẫn không đủ, một ngày làm ác, ác tự dư thừa”.

Nói tóm lại, Tin lành là tin tức tốt lành nhất cho nhân loại, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, con người đã và đang khao khát tìm kiếm tin tức tốt lành, đó là tin tức con người được tha tội và con người được phục hòa lại với Đức Chúa Trời. Thế giới hôm nay đang chiến tranh từng ngày, từng giờ xảy ra, chúng ta đều thấy chết chóc, đói khổ, bệnh tật, nhưng cuộc chiến quan trọng nhất là cuộc chiến tranh giữa con người với Thượng Đế. Nhưng chưa ai biết đến Giê-su là Chúa Cứu Thế của đời mình và chưa đầu phục Ngài, tôn Ngài làm Chúa thì người ấy Thượng Đế kể như là đang tranh chiến với Ngài.
Kinh thánh chép:
“Mọi người đều đã phạm tội hụt mất dự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.Rô-ma 3:23
Con người đã đánh mất người thân, đánh mất chính con người thật của mình, họ không biết họ đến từ đâu?
Tại sao họ sống trên đất nầy? và sau khi chết họ sẽ về đâu v.v..?
Tin lành của Đức Chúa Trời đến cho nhân loại đó là:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.Giăng 3:16
Tin lành đó là Đức Chúa Jêsus-Christ. Nơi nào Tin lành nầy được rao giảng, đó là những nơi Chúa Giê-su vận hành những điều tốt đẹp mà con người trông thấy. Kẻ mù được sáng mắt, được chữa lành, kẻ nghèo, kẻ lưu lạc được tôn trọng. Những kẻ bại hoại, xấu xa như người Sa-ma-ri, kẻ thâu thuế như Xa-chê được nếm trải sự vui mừng. Vì thế Chúa Giê-su phán:
“Hãy tin đạo Tin lành” có ý Ngài nói rằng:
“Hãy tin ta là Jêsus-Christ” Ngài đồng hóa chính Ngài với Tin lành của Ngài bởi Ngài nói rằng:
“Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn hễ ai vì cớ Tin lành mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được”.Mác 8:35

Các bạn thân mến!
Tôi hy vọng rằng, sau khi quí vị đọc xong bài viết nầy, nếu lòng quí vị thật sự cảm động thì hãy mở ra để tiếp nhận Chúa thì Ngài hứa:
“Nhưng hễ ai đã tiếp nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ danh phận là con cái Đức Chúa Trời, là ban cho kẻ bằng lòng tin nhận danh Ngài”. Giăng 1:12
Sau đây là lời cầu nguyện tiêu biểu, bạn thành tâm lặp theo với lòng tín quyết:
“Kính lạy Chúa Giê-su!
Con là người có tội, nhưng con tin nhận Ngài, xin Chúa tiếp nhận con làm con yêu dấu của Ngài. Xin Chúa tha thứ tội lỗi con, xin huyết vô tội của Ngài làm sạch lại tấm lòng ô nhơ của con. Xin Chúa bước vào đời sống con, Ngài chiếm hữu, tể trị, quan phòng và dẫn dắt con đi trong đường lối Chúa. Con xin dâng trọn cuộc đời con từ đây cho Chúa . Con thành tâm cầu nguyện. Nhơn danh Đức Chúa Jesus-Christ Amen! ”

Thay lời muốn nói!
Ngay lập tức Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ ấn chứng bạn là con cái yêu dấu của Ngài. Tương lai quí vị nằm trong sự quan phòng tể trị của Chúa, Ngài sẽ dẫn dắt cuộc đời quí vị đi trong chương trình tốt đẹp mà Chúa muốn.

Hồ Galilê – Giáng Sinh 2023

 

Ngày đăng: 12/18/2023