Vườn Ê đen mới

Chỉ Vì Anh Chị Em… Dr. Jim Denison

Khi chiếc tàu chở hàng khổng lồ Dali bị mất điện vào sáng sớm thứ Ba, chỉ còn vài phút để hành động.

Thủy thủ đoàn của con tàu đã gửi tín hiệu khẩn cấp và thả neo, trong khi các nhân viên cảnh sát của cơ quan giao thông vận tải dừng giao thông hướng tới Cầu Francis Scott Key của Baltimore. Hành động của họ có thể đã cứu được nhiều mạng sống, nhưng đã quá muộn đối với 7 công nhân làm đường và một thanh tra trên cầu không được cảnh báo kịp thời. Sau khi cầu sập, hai người được kéo sống lên khỏi mặt nước; hai thi thể khác được tìm thấy hôm thứ Tư, trong khi bốn thi thể khác vẫn mất tích và được cho là đã chết.

Liệu thảm kịch như vậy có thể xảy ra với những cây cầu khác? Nó đã có: một báo cáo năm 2018 đã liệt kê 35 vụ sập cầu do va chạm với thuyền từ năm 1960 đến năm 2015. Theo chính quyền liên bang, ngày nay hơn 17 nghìn cây cầu của Hoa Kỳ có nguy cơ sụp đổ chỉ sau một cú va chạm.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang lái xe qua một cây cầu như vậy thì nó bị va chạm và đổ sập, khiến bạn rơi xuống nước. Một người đàn ông đứng an toàn trên bờ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của bạn và lặn xuống sông để cứu bạn. Anh kéo bạn từ xe hơi của bạn đến nơi an toàn nhưng lại mất mạng trong quá trình đó. Nếu bằng cách nào đó bạn có thể cảm ơn anh vì sự hy sinh của anh, bạn sẽ nói gì với anh?

Đây là cơ hội mà Thứ Sáu Tuần Lễ Thánh cho chúng ta để bầy tỏ lòng biết ơn.

Tại sao Chúa Giê-su lại phải chịu chết như vậy? Bạn biết rằng Chúa Giê-su đã chết để trả giá cho tội lỗi của bạn, gánh nợ và cung cấp sự cứu rỗi cho bạn (Rô-ma 5:8). Việc Ngài chọn cách chết cũng đúng. Trong số các lựa chọn:
• Ngài có thể chết bằng cách bị ném đá, một phương pháp xử tử điển hình của người Do Thái (Công vụ 7:54–60).
• Lẽ ra Ngài có thể sắp xếp để được sinh ra như một công dân La Mã và do đó bị chém đầu (truyền thống ban đầu mô tả đây là cách chết của sứ đồ Phao-lô (Công vụ 22:28).
• Ngài có thể bị xử tử bằng gươm giống như Gia-cơ (Công vụ 12:2).
• Ngài có thể đã bị chết chìm trên biển hồ Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 8:25).
• Ngài có thể sống đến tuổi già và chết một cách tự nhiên (Sáng thế ký 25:8).

Thay vào đó, như bạn đã biết, Chúa Giê-su đã chết vào ngày thứ sáu bằng cách bị đóng đinh. Tại sao?

Đúng là Kinh thánh đã báo trước về việc Chúa Giê-su sẽ bị đóng đinh (Thi thiên 22:14–18), nhưng Thánh Linh có thể đã truyền cảm hứng cho lời tiên tri mô tả việc ném đá hoặc tử hình (chém đầu). Và hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã đợi trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi mà Ngài biết Giu-đa có thể tìm thấy Ngài (Giăng 18:2), sau đó trình diện trước chính quyền (c. 4-8) khi Ngài có thể dễ dàng chống lại họ (c. 11, 36) hoặc bỏ trốn.

Thay vào đó, Chúa bằng lòng chết theo hình thức hành quyết tàn bạo nhất, vô nhân đạo nhất, tra tấn kinh khiếp nhất từng được nghĩ ra, vào lúc bấy giờ. Tại sao Chúa lại chọn cái chết một cách khủng khiếp như vậy?

Tôi sẽ trả lời bằng sự thật này:
Bạn sẽ không bao giờ phải đối mặt với nỗi đau lớn hơn nỗi đau mà Chúa Giê-su đã chọn cho bạn.

* Vì Ngài đã chịu đựng nỗi đau bị đóng đinh nên Ngài có thể thông cảm với mọi nỗi đau mà chúng ta trải qua (Hê-bơ-rơ 4:15). Giờ đây, cho dù bạn đang phải đối mặt với điều gì, dù bạn đang phải chịu đựng đau đớn nào, bạn có thể biết rằng Chúa Giê-su biết nỗi đau của bạn và cùng đau với bạn. * Vì bạn ở trong tay Ngài (Giăng 10:28), không gì có thể đến với bạn mà không qua sự cho phép của Ngài.
* Bởi vì Ngài đang cầu thay cho bạn ngay lúc này (Rô-ma 8:34), Ngài biết chính xác những gì bạn đang phải đối mặt và cảm nhận.

Do đó, chúng ta có thể “vững lòng đến gần ngai ân sủng, để được thương xót và tìm được ân sủng khả dĩ giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (Hê-bơ-rơ 4:16)

Chúng ta sẽ đáp lại ân sủng hy sinh của Chúa như thế nào? Một bài thánh ca được cho là của Thomas à Kempis (1380–1471) tôn vinh Thiên Chúa với lời ca ngợi Chúa chịu đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần lễ Thánh, chỉ vì anh chị em, và vì tôi.

Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh

Ngày đăng: 04/06/2024