Vườn Ê đen mới

CÓ NÊN VỖ TAY TRONG CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG HOẶC TRUYỀN GIẢNG KHÔNG?

 

Một số ý kiến cho rằng vỗ tay là không trang nghiêm, không phù hợp trong Hội Thánh? Trước hết chúng ta cần biết ý nghĩa của việc vỗ tay. Vỗ tay có ý nghĩa là đồng ý, tán dương, khen ngợi, hoan nghênh, cảm ơn. Nền tảng của Cơ Đốc Giáo là Kinh thánh. Lời của Chúa là kim chỉ nam, là chìa khóa để trả lời tất cả các câu hỏi về niềm tin. Thi thiên 47:1 “Hỡi các dân, hãy vỗ tay; hãy lấy tiếng thắng trận mà reo mừng cho Đức Chúa Trời.”; Thi thiên 98:8 “Nguyện các sông vỗ tay, núi non cùng nhau hát vui mừng trước mặt Đức Giê-hô-va!” Hai câu Kinh thánh nầy cho chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời không ngăn cấm sự vỗ tay.

Trái lại, lời Chúa dạy chúng ta phải vỗ tay reo mừng, vui mừng. Đọc xuyên suốt Kinh thánh Cựu ước, chúng ta thấy hình ảnh sự thờ phượng của người Y-sơ-ra-ên ngày xưa rất vui vẻ, nhất là trong các Thi thiên. Gia đình cụ giáo sĩ George Irwin là một trong những gia đình giáo sĩ tiên phong truyền giáo tại Việt Nam, em trai của cụ là cụ Franklin Irwin đã từng làm hội trưởng HTTL miền nam. Khi về hưu tại Toronto, Canada, cụ George Irwin nhóm lại tại HT do tôi quản nhiệm cho đến ngày cụ về với Chúa. Trong một buổi học trường Chúa nhật về sách Thi thiên, một tín hữu hỏi cụ tại sao có một số HT tại Việt Nam không cho các tín hữu vỗ tay trong các chương trình thờ phượng? Với nụ cười nhân từ, cụ trả lời: “Chúng tôi không hề dạy là không được vỗ tay trong các buổi thờ phượng! Trái lại chúng ta nên thờ phượng Chúa cách vui mừng, vì chúng ta là những tội nhân đã được Chúa tha thứ, phục hồi, chữa lành…tại sao khi đến với Cha, gặp Cha mà không vui mừng?” Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem lần cuối, đoàn dân đã đón chào Chúa với sự vui mừng tràn ngập. Họ xử dụng tất cả nững gì họ có để tôn cao Chúa, lấy áo trải xuống đường, với những lá kè, họ hô vang “Hô-sa-na, Đấng nhân danh Chúa mà đến…” Ma-thi-ơ 21:8-9 “Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường; kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” Khi vui mừng thì người ta không thể nín lặng. Vỗ tay là một trong nhũng cách bày tỏ lòng vui mừng.

Nguyên nhân không cho vỗ tay có thể là do những người có trách nhiệm giảng dạy về sự thờ phượng trong các HT đã không giảng dạy cách rõ ràng về vấn đề nầy. Có những lý do khách quan: vì đã theo một truyền thống lâu đời (không can đảm vượt qua truyền thống), hoặc không có cơ hội học Kinh thánh về sự thờ phượng, hoặc không có cơ hội tham dự các chương trình thờ phượng tại các quốc gia Cơ Đốc khác. Sinh viên học trong các chủng viện, các trường Kinh thánh tại hải ngoại đều biết rất rõ, vỗ tay trong các chương trình thờ phượng, truyền giảng, buổi nhóm không làm mất sự trang nghiêm và không đi sai lời dạy của Thánh kinh!

Tại sao trong các chương trình bên ngoài HT, người ta vỗ tay ngợi khen các lãnh tụ, những ngôi sao ca nhạc …và tại sao bên trong HT, chúng ta không thể vỗ tay ngợi khen, tôn cao Chúa là Đức Chúa Trời Vua của muôn vua, Chúa của muôn Chúa, Đấng cứu chuộc chúng ta? Tại sao trong các buổi nhóm của Thanh niên, Thiếu nhi, Truyền giảng ngoài trời, tại sân vận động thì được vỗ tay nhưng trong chương trình thờ phượng ngày Chúa nhật thì không? Tất cả đều cùng thờ phượng một Đức Chúa Trời! Chúa Giê-xu phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” (Ma-thi-ơ 18:20). Tất cả các buổi nhóm đều có Chúa hiện diện. Thế thì tại sao buổi nhóm nầy được và buổi nhóm kia thì không? Tại sao nơi nầy được và nơi kia không được? Tôi được cơ hội tham dự những chương trình Hội đồng, Bồi linh, Truyền giảng, huấn luyện của hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp Canada, quý Mục sư Hội trưởng, quý Mục sư chủ nhiệm Địa hạt, quý Mục sư quản nhiệm đã cùng hòa lòng với ban hát dẫn thờ phượng vỗ tay, giơ tay ca ngợi Chúa rất vui vẻ.

Lời Chúa chép trong Phục truyền 6:5 “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” Chữ “hết lòng” ở đây có nghĩa là lòng yêu Chúa phải được xuất phát từ tấm lòng. Được hiểu biết bằng lý trí và phải được bày tỏ qua hành động. Vấn đề là người vỗ tay không bắt buộc người không vỗ tay phải vỗ tay theo mình hoặc người không vỗ tay lên án những người vỗ tay là không trang nghiêm, không mạnh mẽ, vì mỗi người có cách bày tỏ lòng yêu Chúa, ngợi khen Chúa của họ khác nhau. Truyền thống là tốt nhưng nếu truyền thống đi ngược lại đều Chúa dạy hay dùng truyền thống để bắt người khác thờ phượng theo ý mình nghĩ là đúng (nhưng không đúng theo lời Kinh thánh dạy) thì phải xem lại niềm tin nơi Chúa và sự hiểu biết lời Chúa thế nào! Lời Chúa phán qua tiên tri Êsai “Vì các ngươi sẽ đi ra vui vẻ, được đưa đi trong sự bình an. Trước mặt các ngươi, núi và đồi sẽ trổi tiếng ca hát, mọi cây cối ngoài đồng sẽ vỗ tay.” (Êsai 55:12). Các cây cối ngoài đồng còn được khuyến khích “vỗ tay” thì tại sao chúng ta không được vỗ tay? Điều cần lưu ý là tránh lạm dụng việc vỗ tay để tán thưởng một cá nhân hay tự làm cho mình nỗi bật hoặc vỗ tay không đúng lúc!

Lời kết, vỗ tay trong các chương trình thờ phượng, truyền giảng có nghĩa là đồng ý (A-men) với lời bài hát tôn cao Chúa, là tán dương, khen ngợi Chúa, là cảm ơn Chúa, là vui mừng ra mắt Chúa. Nên để cho người hướng dẫn thờ phượng hoặc ban hát dẫn được tự do hướng dẫn hội chúng ca ngợi Chúa (là những người được huấn luyện, hoặc đã học biết về sự hướng dẫn thờ phượng). Nên để họ hướng dẫn hội chúng đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Có lúc với những bài hát vui vẻ, mạnh mẽ…họ vỗ tay và hướng dẫn hội chúng cùng vỗ tay vui mừng ca ngợi Chúa, hoặc có lúc nhẹ nhàng, lắng đọng, yên lặng, cầu nguyện, tan vỡ…

Chúa Giê-xu phán “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24). Sự thờ phượng Chúa hay giải thích về sự thờ phượng phải dựa trên “lẽ thật” là lời của Chúa. Ước mong các tín hữu trong các Hội thánh được hướng dẫn và tạo cơ hội để học biết các lẽ thật về sự thờ phượng. A-men.

Toronto 1/7/2015
MS NGUYỄN DUY TRUNG

———————————————————-

Bài vở trang BẠN HỮU ÂM NHẠC được lưu trữ tại đây:
BẠN HỮU ÂM NHẠC 2013-2016

Ngày đăng: 07/06/2015